Thực hành yoga là một nghệ thuật và khoa học đặc biệt tạo ra sự hợp nhất giữa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Mục tiêu của nó là hỗ trợ người tập sử dụng hơi thở và cơ thể để phát triển nhận thức về bản thân như những cá thể có mối liên hệ mật thiết với vũ trụ / đấng thiêng liêng. Nói ngắn gọn thì yoga tạo ra sự cân bằng và lắng dịu để sống trong sự bình an, khỏe mạnh và hòa hợp với tổng thể lớn hơn. Nghệ thuật sống đúng đắn này đã được hoàn thiện và thực hành ở Ấn Độ hàng ngàn năm trước và nền tảng triết lý của yoga đã được viết trong Yoga Sutra Patanjali, khoảng 200 năm sau Công nguyên. Kinh điển yoga thiêng liêng này mô tả các hoạt động của tâm trí và cung cấp một kế hoạch chi tiết tám bước để kiểm soát sự bay nhảy không ngừng nghỉ của tâm trí để tận hưởng sự bình yên lâu dài.

Cốt lõi của Yoga Sutra Patanjali là một con đường tám nhánh tạo thành khung sườn cho việc luyện tập yoga. Khi thực hành tất cả tám nhánh, nó trở nên rõ ràng rằng không có yếu tố nào quan trọng hơn hay đặt lên cao hơn một yếu tố nào. Mỗi người là một phần của một tổng thể toàn diện mà cuối cùng đi đến sự trọn vẹn cho cá nhân khi họ tìm thấy sự kết nối của mình với đấng thiêng liêng. Bởi vì mỗi chúng ta đều là một cá nhân duy nhất, nên một người có thể tập trung vào một nhánh và sau đó chuyển sang nhánh khác khi họ đã hoàn thiện sự hiểu biết của mình.

Tóm lại, 8 nhánh của yoga bao gồm:

  1. Yama:  Đạo đức phổ quát
  2. Niyama:  Sự quan sát cá nhân
  3. Asana:  Tư thế Yoga
  4. Pranayama:  Các bài tập thở và kiểm soát prana
  5. Pratyahara:  Kiểm soát các giác quan
  6. Dharana :  Tập trung và trau dồi nhận thức bên trong
  7. Dhyana :  Sự thành tâm, lòng thành kính và Thiền
  8. Samadhi:  Hợp nhất với Đấng tối cao

Hai nhánh đầu tiên mà Patanjali mô tả là các giới luật đạo đức cơ bản được gọi là yamas, và niyamas. Đây cũng có thể được coi là đạo đức phổ quát và sự quan sát cá nhân. Yamas và Niyamas là những gợi ý được đưa ra về cách chúng ta nên đối xử với mọi người xung quanh và thái độ của chúng ta đối với bản thân như thế nào. Thái độ chúng ta đối với mọi thứ bên ngoài và mọi người là Yama, làm thế nào chúng ta kết nối với bên trong chính bản thân là Niyama. Cả hai chủ yếu quan tâm đến cách chúng ta sử dụng năng lượng của mình trong mối quan hệ với người khác và với chính bản thân mình.

I. Yamas (Đạo đức phổ quát)

Yamas được chia thành năm điều dạy. Hơn cả một danh sách “nên làm” và “không nên làm”, Yamas chỉ ra bản chất cơ bản của chúng ta là từ bi, hào phóng, trung thực và bình an. Năm điều dạy này như sau:

  1. Ahimsa – Không bạo lực (Lòng trắc ẩn cho vạn vật)
    Từ ahimsa theo nghĩa đen có nghĩa là không gây thương tích hoặc thể hiện sự tàn ác đối với bất kỳ sinh vật hoặc bất kỳ người nào dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, Ahimsa không chỉ có nghĩa là “bất bạo lực” như diễn giải trong yoga, nó còn có nghĩa là lòng tốt, sự thân thiện và sự quan tâm chu đáo đến người khác và mọi thứ. Nó cũng liên quan đến nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng ta. Ahimsa ngụ ý rằng trong mọi tình huống, chúng ta nên áp dụng thái độ ân cần quan tâm và không làm hại bất cứ ai.
  2. Satya – Cam kết trung thực
    Satya có nghĩa là “nói sự thật”, nhưng không phải lúc nào cũng nên nói sự thật trong tất cả các tình huống, vì nó có thể gây hại cho ai đó một cách không cần thiết. Chúng ta phải xem xét những gì chúng ta nói, cách chúng ta nói và nó có thể ảnh hưởng đến người khác thế nào. Nếu nói sự thật có hậu quả tiêu cực cho người khác, thì tốt hơn là không nói gì. Satya không nên xung đột với Ahimsa. Giới luật này dựa trên sự hiểu biết rằng giao tiếp và hành động trung thực tạo thành nền tảng cho mối quan hệ, cộng đồng hay tổ chức lành mạnh nào và sự lừa dối có chủ ý, cường điệu và dối trá sẽ gây hại cho người khác.
  3. Asteya – Không trộm cắp
    Steya có nghĩa là trộm cắp; Asteya thì ngược lại – không lấy những gì không thuộc về chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là nếu chúng ta ở trong một tình huống mà ai đó giao phó một thứ gì đó cho chúng ta hoặc tâm sự với chúng ta, chúng ta không lợi dụng anh ta hoặc cô ta. Không ăn cắp bao gồm không chỉ không lấy những gì thuộc về người khác mà không được phép, mà còn không sử dụng thứ gì đó cho mục đích khác với mục đích trước đó, hoặc vượt quá thời gian mà chủ sở hữu của nó cho phép. Việc thực hành asteya ngụ ý không lấy bất cứ thứ gì không được phép. Điều này bao gồm việc nâng cao ý thức về cách chúng ta hỏi xin thời gian của người khác cho hành vi thiếu cân nhắc, đòi hỏi sự chú ý của người khác khi không được cho phép, thực chất cũng là ăn cắp.
  4. Brahmacharya – Tiết dục
    Brahmacharya được sử dụng chủ yếu trong ý nghĩa của sự tiết chế, đặc biệt là liên quan đến hoạt động tình dục. Brahmacharya gợi ý rằng chúng ta nên hình thành các mối quan hệ nuôi dưỡng, thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về Sự Thật Tối Cao. Brahmacharya không nhất thiết ngụ ý độc thân. Thực hành brahmacharya có nghĩa là chúng ta sử dụng năng lượng tình dục của mình để tái tạo sự kết nối tâm linh của chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta không sử dụng năng lượng này theo bất kỳ cách nào có thể gây hại cho người khác.iv
  5. Aparigraha – Không tham lam, hám của
    Aparigraha có nghĩa là chỉ lấy những gì cần thiết, và không lợi dụng tình huống hoặc hành động tham lam. Chúng ta chỉ nên lấy những gì chúng ta đã kiếm được; nếu chúng ta lấy nhiều hơn, chúng ta đang lợi dụng / trấn lột từ người khác. Người thực hành yoga cảm thấy rằng việc tích trữ của cải ngụ ý sự thiếu niềm tin vào Đấng Tối Cao và vào chính bản thân mình về tương lai.v Aparigraha cũng ngụ ý buông bỏ những gắn kết của chúng ta vào mọi vật, mọi việc và chỉ cần hiểu rằng sự vô thường và sự thay đổi mới là hằng số duy nhất.

       Yoga Sutra mô tả những gì xảy ra khi năm điều dạy được nêu ở trên trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, Yamas là những đức tính đạo đức mà nếu thực hành nghiêm túc sẽ thanh lọc bản chất con người và đóng góp hình thành một xã hội hạnh phúc và lành mạnh.

II. Niyama (Quan sát cá nhân)

       Niyama có nghĩa là quy tắc hay luật lệ. Đây là các quy tắc được quy định cho việc quan sát cá nhân. Giống với Yamas, thì năm điều của Niyamas không phải là bài tập hay hành động đơn giản là chỉ để học. Chúng hơn cả thái độ sống. So với Yamas, Niyamas mang tính cá nhân hơn. Nó đề cập đến 1 lối sống chúng ta nên thiết lập và duy trì hướng đến một cuộc sống nhiệm màu.

  1. Sauca – Tinh khiết, sạch sẽ
    Niyama đầu tiên là Sauca, có nghĩa là tinh khiết và sạch sẽ. Sauca có cả khía cạnh bên trong và bên ngoài. Sạch sẽ bên ngoài đơn giản có nghĩa là giữ cho chúng ta sạch sẽ. Sự sạch sẽ bên trong có liên quan nhiều đến hoạt động tự do, khỏe mạnh của các cơ quan của cơ thể cũng như sự rõ ràng của tâm trí. Thực hành asana hoặc pranayama là cách thiết yếu để đạt được Sauca bên trong. Asana làm săn chắc toàn bộ cơ thể và loại bỏ độc tố trong khi Pranayama làm sạch phổi, oxy hóa máu và thanh lọc các dây thần kinh. “Nhưng quan trọng hơn việc làm sạch cơ thể, chính là làm sạch tâm trí khỏi những cảm xúc xáo trộn như hận thù, đam mê, giận dữ, ham muốn, tham lam, si mê và tự hào”. vi
  2. Santosa – Hài lòng
    Một Niyama khác là Santosa, sự khiêm tốn và cảm giác hài lòng với những gì ta có. Bình an bên trong và hài lòng với cuộc sống ngay cả khi gặp khó khăn. Chúng ta nên chấp nhận rằng chuyện gì xảy ra cũng có lí do của nó – Yoga gọi đó là Nghiệp (Karma) – và chúng ta thực hành sự hài lòng ‘để chấp nhận những gì xảy ra’. Điều đó có nghĩa là hạnh phúc với những gì chúng ta có hơn là không hài lòng về những gì chúng ta không có.
  3. Tapas – Sử dụng năng lượng có kỷ luật
    Tapas đề cập đến hoạt động giữ cho cơ thể phù hợp, vừa vặn hoặc để đối đầu và xử lý những thôi thúc bên trong mà không cần trình diễn bên ngoài. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là làm nóng cơ thể và, bằng cách đó, để làm sạch nó. Đằng sau khái niệm Tapas là ý tưởng chúng ta có thể hướng năng lượng của mình để nhiệt tình tham gia vào cuộc sống và đạt được mục tiêu tối hậu là tạo được sự kết hợp với Đấng tối cao. Tapas giúp chúng ta đốt cháy tất cả những ham muốn cản trở mục tiêu này. Một hình thức khác của tapas là chú ý đến những gì chúng ta ăn. Chú ý đến tư thế cơ thể, chú ý đến thói quen ăn uống, chú ý đến các kiểu thở – tất cả đều là Tapas.
  4. Svadhyaya – Sự tự nghiên cứu
    Niyama thứ tư là Svadhyaya. “Sva” có nghĩa là bản thân. “Adhyaya” có nghĩa là sự tự vấn. Bất kỳ hoạt động nào nuôi dưỡng ý thức tự soi xét có thể được coi là Svadhyaya. Nó có nghĩa là tìm kiếm sự tự nhận thức có chủ đích trong tất cả các hoạt động, thậm chí đến mức chào đón và chấp nhận những hạn chế của mình. Nó dạy chúng ta tập trung và không phản ứng với những thứ mang tính chất nhị nguyên, để đốt cháy những khuynh hướng không mong muốn và tự hủy hoại.
  5. Isvarapranidhana – Quy phục trước Thượng đế
    Isvarapranidhana có nghĩa là đặt mọi hành động của bạn dưới chân Thượng đế. Đó là sự suy ngẫm về Thượng đế (Isvara) để trở nên hòa hợp với Thượng đế và ý muốn của Thượng đế. Đó là sự thừa nhận rằng tâm linh đã đủ đầy và thông qua sự chú ý và quan tâm của chúng ta, chúng ta có thể làm cho mình là một phần của Tạo hóa. Việc thực hành đòi hỏi chúng ta phải dành ra một chút thời gian mỗi ngày để nhận ra rằng có một lực lượng toàn diện lớn hơn chính chúng ta đang hướng dẫn và chỉ đạo quá trình sống của chúng ta. vii

III. Asana (Tư thế Yoga)

       Asana là thực hành các tư thế yoga. Đây là khía cạnh phổ biến nhất của yoga đối với những người không quen thuộc với bảy nhánh khác của Yoga Sutra Patanjali . Việc thực hành di chuyển cơ thể để vào tư thế có nhiều lợi ích to lớn; trong số những điều cơ bản nhất là tăng cường sức khỏe, sức mạnh, sự cân bằng và tính linh hoạt. Ở một cấp độ sâu sắc hơn, việc thực hành asana, có nghĩa là “trú ngụ” trong tiếng Phạn, được sử dụng như một công cụ để làm dịu tâm trí và đi vào bản chất bên trong của bản thể. Thử thách của tư thế cho người tập cơ hội khám phá và kiểm soát tất cả các khía cạnh của cảm xúc, sự tập trung, ý định, đức tin và sự hợp nhất giữa cơ thể vật lý và cơ thể dạng vía. Thật vậy, sử dụng asana để thách thức cơ thể vật lý hoạt động như một tác nhân liên kết để mang lại sự hòa hợp với tất cả các yếu tố vô hình của bản thể, các lực định hình cuộc sống của chúng ta thông qua phản ứng của chúng ta với thế giới vật chất. Asana sau đó trở thành một cách để khám phá thái độ tinh thần và làm mạnh ý chí khi chúng ta học cách giải phóng và chuyển sang trạng thái bình an đến từ sự cân bằng giữa thế giới vật chất và trải nghiệm tâm linh.

Khi một người thực hành asana, nó thúc đẩy sự tĩnh lặng của tâm trí, do đó nó trở thành vừa là sự chuẩn bị cho thiền định, vừa là thiền định trong lúc thực hành. Khi người thực hành phát triển sự thả lỏng vào dòng chảy của tư thế và sức mạnh bên trong mang lại phẩm chất tâm linh tuyệt vời cho cơ thể. Thể chất của các tư thế yoga trở thành phương tiện để mở rộng ý thức, điều này lan tỏa đến mọi khía cạnh của cơ thể. Chìa khóa để thúc đẩy sự mở rộng nhận thức và ý thức này bắt đầu bằng việc kiểm soát hơi thở, nhánh thứ tư – Pranayama.

Patanjali gợi ý rằng việc thực hành asana và pranayama sẽ mang lại trạng thái sức khỏe mong muốn; sự kiểm soát hơi thở và tư thế sẽ điều hòa dòng năng lượng trong cơ thể, do đó giúp cho sự tiến hóa của tinh thần. Thực hành Asana giúp chúng ta kết nối lại với cơ thể của chính mình. Khi tự gắn kết lại với cơ thể mình, chúng ta tự gắn lại trách nhiệm sống một cuộc đời được dẫn dắt bởi sự khôn ngoan không thể chối cãi của cơ thể. BKS Iyengar từng nói “Nhu cầu của cơ thể chúng ta chính là nhu cầu của thượng đế đang ẩn sống trong cơ thể này. Người thực hành yoga không lên thiên đường để tìm Thượng Đế vì người ấy biết rằng Thượng đế đang ngự trị ở bên trong chính mình.

IV. Pranayama (Kiểm soát hơi thở)

       Pranayama là đo lường, kiểm soát và định hướng hơi thở. Pranayama kiểm soát năng lượng (prana) trong cơ thể sinh vật, nhằm phục hồi và duy trì sức khỏe và thúc đẩy quá trình tiến hóa. Khi hơi thở vào kết hợp với hơi thở ra giúp việc thư giãn trở nên hoàn hảo và cân bằng các hoạt động cơ thể. Trong yoga, chúng ta quan tâm đến việc cân bằng dòng chảy năng lượng chính, sau đó hướng dòng năng lượng này vào bên trong các luân xa và hướng lên luân xa ở đỉnh đầu (Crown Chakra).

Pranayama, hay kỹ thuật thở, rất quan trọng trong yoga. Nó đi đôi với asana hoặc tư thế. Trong Yoga Sutra Patanjali, thực hành asana và pranayama được coi là hình thức thanh lọc và kỷ luật tự giác cao nhất cho cơ thể và tâm trí. Thực hành tạo ra cảm giác nhiệt ở cơ thể vật lý, còn được gọi là tapas, hoặc ngọn lửa thanh lọc bên trong. Sức nóng này được cho rằng là một phần của quá trình thanh lọc nadis, hoặc các kênh thần kinh vi tế của cơ thể. Điều này giúp người thực hành trải nghiệm một trạng thái khỏe mạnh hơn và cho phép tâm trí trở nên bình tĩnh hơn. Khi hành giả tuân theo các kiểu nhịp điệu thích hợp của việc thở sâu chậm, các mô hình tăng cường hệ hô hấp, làm dịu hệ thần kinh và giảm cảm giác thèm ăn. Khi những ham muốn và sự thèm muốn giảm dần, tâm trí được giải phóng và trở thành một phương tiện phù hợp để tập trung.

V. Pratyahara (Kiểm soát các giác quan)

       Pratyahara có nghĩa là rút lui hoặc ẩn dật. Từ ahara có nghĩa là nuôi dưỡng; Pratyahara được dịch là “thu rút bản thân khỏi thứ nuôi dưỡng các giác quan”. Trong yoga, thuật ngữ Pratyahara ngụ ý rút các giác quan khỏi sự gắn kết với các vật thể bên ngoài. Sau đó, nó có thể được xem là thực hành không gắn kết với những phiền nhiễu mà liên tục chú tâm trên con đường tu tập tự giác ngộ để có được bình an bên trong. Nó có nghĩa là các giác quan của chúng ta không còn sống phụ thuộc vào những thứ kích thích bên ngoài nữa.

Trong Pratyahara, chúng ta cắt đứt mối liên kết giữa tâm trí và các giác quan, và các giác quan thu rút lại. Khi các giác quan không còn bị ràng buộc với các nguồn bên ngoài, và kết quả là sự kiểm soát hoặc Pratyahara. Bây giờ khi năng lượng vi tế chảy ngược về Nguồn ở bên trong, chúng ta có thể tập trung mà không bị phân tâm bởi những đối tượng bên ngoài hoặc sự cám dỗ để nhận thức bên ngoài.

Pratyahara xảy ra gần như tự động khi chúng ta thiền bởi vì chúng ta bị hút vào đối tượng thiền định. Một cách chính xác thì bởi vì tâm trí quá tập trung, các giác quan cũng sẽ đi theo nó; nó không xảy ra theo cách khác.

Khi không còn hoạt động theo cách thông thường của chúng nữa, các giác quan trở nên sắc sảo lạ thường. Trong hoàn cảnh bình thường, các giác quan trở thành chủ nhân chứ không phải là đầy tớ của chúng ta. Các giác quan lôi kéo chúng ta phát triển sự thèm muốn cho tất cả mọi thứ. Ở Pratyahara, điều ngược lại xảy ra: khi chúng ta phải ăn chúng ta ăn, nhưng không phải vì chúng ta thèm ăn. Trong Pratyahara, chúng ta cố gắng đặt các giác quan vào đúng vị trí của chúng, nhưng không loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi hành động của chúng ta.

Phần lớn sự mất cân bằng cảm xúc là do chính chúng ta tạo ra. Một người bị ảnh hưởng bởi các sự kiện và cảm giác bên ngoài không bao giờ có thể đạt được sự yên bình và tĩnh lặng bên trong. Bởi vì anh ta hoặc cô ta sẽ lãng phí nhiều năng lượng tinh thần và thể chất trong việc cố gắng triệt tiêu những cảm giác không mong muốn và để nâng cao những cảm giác khác. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về thể chất hoặc tinh thần, và trong hầu hết các trường hợp, sẽ dẫn đến bệnh tật.

Patanjali nói rằng quá trình trên là gốc rễ của sự bất hạnh và bất an của con người. Khi mọi người tìm đến yoga, với hy vọng tìm thấy sự bình yên bên trong vốn rất xa vời, và họ nhận thấy rằng nó đã là của họ từ trước đến nay. Yoga không gì khác hơn là một quá trình cho phép chúng ta dừng lại và xem xét các quá trình của tâm trí của chính chúng ta; chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể hiểu bản chất của hạnh phúc và bất hạnh, và do đó vượt lên trên cả hai.

VI. Dharana (Tập trung và trau dồi nhận thức bên trong)

       Dharana có nghĩa là sự tập trung vững vàng của tâm trí. Ý tưởng chủ yếu là giữ sự tập trung hoặc trọng tâm của sự chú ý theo một hướng. “Khi cơ thể được điều hòa bởi asana, khi tâm trí được tinh luyện bởi ngọn lửa của pranayama và khi các giác quan được kiểm soát bởi pratyahara, sadhaka (người tu tập) đạt đến giai đoạn thứ sáu, Dharana. Ở đây, người ấy tập trung toàn bộ vào một điểm duy nhất hoặc vào một nhiệm vụ mà người ấy hoàn toàn bị cuốn hút. Tâm trí phải được tĩnh lặng hoàn toàn để đạt được trạng thái này.”

Ở dharana, chúng ta tạo điều kiện cho tâm trí tập trung sự chú ý của nó theo một hướng thay vì phân tán ra ngoài theo nhiều hướng khác nhau. Suy ngẫm và suy tư sâu sắc có thể tạo ra những điều kiện phù hợp, và sự tập trung vào 1 điểm đã chọn này trở nên mãnh liệt hơn. Chúng ta khuyến khích một hoạt động đặc biệt của tâm trí mà khi hoạt động này càng trở nên mãnh liệt, các hoạt động khác của tâm trí sẽ càng giảm đi.

Mục tiêu trong dharana là ổn định tâm trí bằng cách tập trung sự chú ý của nó vào một thực thể ổn định nào đó. Đối tượng cụ thể được chọn không liên quan gì đến mục đích chung, đó là ngăn tâm trí đi lang thang – thông qua ký ức, giấc mơ hoặc suy nghĩ phản xạ – bằng cách cố tình giữ nó một cách đơn thuần trên một vật thể tĩnh. BKS Iyengar tuyên bố rằng mục tiêu là đạt được trạng thái tinh thần, nơi tâm trí, trí tuệ và bản ngã bị kìm lại và tất cả các thứ này đều hiến dâng cho Đấng tối cao và phục vụ Ngài. Ở đây không còn cảm giác về ‘Tôi’ và ‘của tôi’.

Khi tâm trí đã được thanh lọc bằng thực hành yoga, nó trở nên có thể tập trung hiệu quả vào một chủ đề hoặc điểm. Bây giờ chúng ta có thể giải phóng tiềm năng lớn cho sự chữa lành bên trong.

VII. Dhyana (Sự thành tâm, hiến dâng & Thiền)

       Dhyana có nghĩa là tôn thờ, hoặc thiền định mang tính tôn giáo sâu sắc và trừu tượng. Đó là sự suy ngẫm hoàn hảo. Nó liên quan đến sự tập trung vào một điểm tập trung với ý định biết sự thật về nó. Khái niệm này cho rằng khi một người tập trung tâm trí của họ vào một đối tượng thì tâm trí được chuyển thành hình dạng của đối tượng. Do đó, khi một người tập trung vào sự thiêng liêng, họ trở thành phản chiếu của nó và họ biết bản chất thực sự của họ. “Cơ thể, hơi thở, giác quan, tâm trí, lý trí, lý do và bản ngã của người đó đều được tích hợp trong đối tượng chiêm nghiệm của người đó – Đấng thiêng liêng.”

Trong thời gian thực hành dhyana, ý thức được thống nhất hơn nữa bằng cách kết hợp sự hiểu biết rõ ràng về sự phân biệt giữa các đối tượng và giữa các lớp nhận thức tinh tế. Chúng ta học cách phân biệt giữa tâm trí của người nhận thức, phương tiện nhận thức và đối tượng nhận thức, giữa lời nói, ý nghĩa và ý tưởng của họ, và giữa tất cả các cấp độ tiến hóa của tự nhiên.

Khi chúng ta điều chỉnh sự tập trung của mình và nhận thức rõ hơn về bản chất của thực tế, chúng ta nhận thấy rằng thế giới là không thực. Một thực tế duy nhất là cái tôi vạn năng, hay Thượng Đế, được che giấu bởi Maya (sức mạnh huyễn hoặc). Khi các bức màn được vén lên, tâm trí trở nên rõ ràng hơn. Bất hạnh và sợ hãi – ngay cả nỗi sợ chết – cũng tan biến. Trạng thái tự do này, hay còn gọi là Moksha, là mục tiêu của Yoga. Nó có thể đạt được bằng cách liên tục truy vấn về bản chất của sự vật. Thiền trở thành công cụ của chúng ta để nhìn mọi thứ rõ ràng và nhận thức thực tế vượt ra ngoài những ảo ảnh che mờ tâm trí chúng ta.

VIII. Samadhi (Hợp nhất với Đấng tối cao)

Nhánh cuối cùng trong con đường tám nhánh của Yoga là Samadhi. Samadhi có nghĩa là “Hợp nhất”. Trong trạng thái samadhi, cơ thể và các giác quan được nghỉ ngơi, như thể đang ngủ, nhưng tâm trí và lý trí thì tỉnh giác, như thể đang thức; người này vượt ra ngoài khỏi ý thức. Trong samadhi, chúng ta nhận ra thế nào là một bản sắc riêng nhưng không có sự khác biệt, và làm thế nào một linh hồn được giải phóng có thể tận hưởng nhận thức thuần túy về bản sắc thuần khiết này. Ý thức lại rơi vào sự lãng quên vô thức mà từ đó nó xuất hiện lần đầu tiên.

Do đó, samadhi đề cập đến sự hợp nhất hoặc Yoga đúng nghĩa. Không còn khái niệm “tôi” và “của tôi” cho những nhận thức hão huyền của chúng ta. Tâm trí không phân biệt giữa tự ngã và vô ngã, hoặc giữa đối tượng chiêm nghiệm và quá trình chiêm nghiệm. Tâm trí và trí tuệ đã dừng lại và chỉ có kinh nghiệm về ý thức, sự thật và niềm vui không thể lay chuyển.

Đạt được samadhi là một việc khó khăn. Vì lý do này mà Yoga Sutra Patanjali đề nghị thực hành Asana và Pranayama như là bước chuẩn bị cho Dharana, bởi vì những điều này ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần và tạo không gian trong lịch trình bận rộn của tâm trí. Một khi Dharana xảy ra, Dhyana và Samadhi có thể xảy ra theo.

Tám bước của yoga chỉ ra một lộ trình hợp lý để đạt được sức khỏe về thể chất, đạo đức, cảm xúc và tâm linh. Yoga không tìm cách thay đổi cá nhân; đúng hơn, nó cho phép trạng thái tự nhiên của toàn bộ sức khỏe và sự hòa nhập trong mỗi chúng ta trở thành hiện thực.

Nguồn ban đầu được viết bởi William JD Doran và đã được phát hành tại đây.

Author Beinks

Comments (2)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *